PHONG THUỶ LÀ GÌ? MỘT CÁCH NHÌN NHẬN VỀ PHONG THUỶ!

Ngày đăng 23/03/2022

PHONG THUỶ LÀ GÌ? MỘT CÁCH NHÌN NHẬN VỀ PHONG THUỶ!

Phongthủy là gì?

Có lẽ đây là một câu hỏi phổ biến nhất và khó trả lời nhất trong tình hình xã hội hiện nay. Vì đầy rẫy những định nghĩa được lan truyền nhanh chóng trên các trang web phong thủy. Thế phong thủy là gì? Tồn tại ở đâu? Vào lúc nào ?... Rất nhiều câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời hết được. Không có gì là rõ ràng nhưng phong thủy vẫn tồn tại bất chấp ai hiểu đúng hay sai. Vậy vì sao nó tồn tại!

Đơn giản theo quan niệm phương Đông chúng ta, bất kỳ ai cũng cố gắn làm việc dành dụm cả đời để xây cho chính mình mình một ngôi nhà theo ý muốn. Và vì lẽ quan trọng ấy không ai muốn nhà mình phạm phải điều cấm kỵ nào trong phong thủy (như Ông nhà kia mới mất do phạm thái tuế, nhà kia xây rồi ở không được bán không xong do phạm ngũ hoàng đại sát, nhà kia làm ăn thất bát, tiền bạc bay hết do dính liêm đao sát v.v....). Nỗi lo sợ với các từ ngữ đao to búa lớn vô hình chung cứ xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện thông tin. Chúng khiến ai ai cũng đặt cho mình một tâm lý chung không hay như : “Thôi thì cả đời mới xây cái nhà! Mời thầy về cho an tâm”.

Ai ai cũng xây nhà, cho nên nhu cầu “mời một thầy về cho an tâm” đã nảy sinh. Có cầu ắt có cung, hàng loạt thầy phong thủy, hàng loạt trang web phong thủy, hàng loạt các cửa hàng bán “Pháp Khí” phong thủy mọc lên như nấm. Xây nhà mời thầy đến xem, làm ăn không được mời thầy đến xem, rồi bỏ tiển ra mua Tỳ Hưu, Thạch Anh ... Liệu có đúng hay không?

Nhìn nhận về PHONG THỦY.

Không thể phủ định Phong Thủy đã trở thành một thứ văn hóa đặc trưng cho người Á Đông chúng ta. Đơn giản vì nó đã gắn bó với đời sống ông cha ta qua hàng ngàn năm. Nó cũng trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử vẫn tồn tại chứng tỏ nó vẫn còn giá trị đối với đời sống. Vì đơn giản nó đã trở thành một chỗ dựa văn hóa vững chắc lâu đời, khi mà trong lịch sử ông cha ta xây nhà theo phong thủy, vua chúa xây dựng cung điện cũng xem phong thủy, rồi cho tới đền chùa, miếu mão ... hầu hết các thể loại công trình đã tồn tại trong lịch sử. Do đó đầu tiên chúng ta có thể nói “Phong thủy là một phần văn hóa Phương Đông”.

Phong thủy do đâu? Phong thủy đã có lịch sử trên 2000 năm. Từ những tên gọi đầu tiên như KHAM DƯ, ĐỊA LÝ từ những buổi ban đầu vì mục đích tìm đất xây nhà theo văn hóa dân gian như xây nhà hướng Nam theo câu “Lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam”. Đó là một tập quán xây dựng chung của các nước ở Bắc bán cầu như Việt Nam chúng ta, Trung Quốc,... đơn giản chỉ vì xoay về phương Nam có khí hậu ấm áp và tránh gió lạnh từ phương Bắc đổ xuống. Nhưng dần qua thời gian khi nó trở thành phố biến thì cụm từ PHONG THỦY xuất hiện. Đôi khi không còn thể hiện tập quán xây nhà mà còn mang thêm cho nó màu sắc Văn Hóa và cả Chính Trị khi các bậc đế vương gắn nó với quyền “Thiên tử” mà quy định chỉ vua được mặc màu Vàng (Thổ), chỉ vua xây cung điện đền đài nguy nga .... Và ấn định đâu là Phong Thủy dành cho vua (Huyền Không Phi Tinh) và Phong Thủy dành cho dân (Bát Trạch). Vấn đề này chúng ta sẽ bàn tới sau.

Đến ngày nay chúng ta bị ảnh hưởng một phần nhận thức văn hóa sai lệch đó cộng thêm những lời nói đao to búa lớn của các thầy Phong Thủy như: Không làm thế này gia sản tiêu tán, không làm thế kia gia đình tan nát...những câu nói như đinh đóng cột. Chủ nhà thì bị hù khiếp vía, kiến trúc sư thì lắc đầu khi “Thầy” bảo không giống gì ý tưởng thiết kế theo công năng, thẩm mỹ, kinh tế ... cuối cùng đành theo thầy mà cũng không biết rõ vì sao. Thậm chí nhiều chủ nhà vẫn chấp nhận mua những con Tỳ Hưu những tảng đá với giá không hề nhỏ. Và nhiều Kiến trúc sư coi như Phong thủy là kẻ thù của Kiến trúc.

Tới đây chắc nhiều người hoang mang. Nhưng xin khẳng định lại Phong Thủy vốn là Văn Hóa phương Đông, phản ánh những quy luật tự nhiên tác động đến nhà ở. Và nền tảng chính là KINH DỊCH. Một thứ triết học cổ đại Trung Quốc nằm trong bộ “Tứ thư, ngũ Kinh”. Nó phản ánh những quy luật chung trời đất như sáng-tối, nước-lửa, may-rủi ... không có gì là phản khoa học cả. Vậy ở đây điều gì là sai!

Điều sai là cách áp dụng phong thủy, nếu ai đọc KINH DỊCH sẽ đọc được ngay một điều: Học dịch để hiểu sự đời, không học dịch để xem bói. Đơn giản mà nói ở mức cơ bản ban đầu thì chỉ cần học thuộc 64 quẻ trong Kinh Dịch đã có thể xem bói. Nhưng! Người học cặn kẽ sẽ hiểu triết lý sâu sa trong từng quẻ và lý luận vào điều kiện thực tiễn để xem nên làm gì và không nên làm gì. Nói thì quá sâu xa, chúng ta áp dụng vào một trường hợp cụ thể.

Một trường hợp minh họa:

Ắt hẳn ai đã đọc ít nhiều các bài viết về Phong Thủy trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ biết đôi chút về Bát Trạch. Vậy tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản về bát trạch. Ví dụ: Nam gia chủ của căn nhà sinh năm 1953, tính theo Bát Trạch ta được Nam gia chủ quái số 2, thuộc cung Khôn, mệnh Tây tứ trạch. Nếu như các bạn biết sơ sơ, hay đã học phương pháp tính sẽ biết ngay một căn nhà như dưới đây, một căn nhà phố dài, có cửa hướng phục vị và lưng hướng Thiên Y sẽ khá tốt cho chủ nhân ngôi nhà về hướng nhà cũng cũng như bố trí phòng ngủ vào các cung tốt khi lên tầng(như đầu nhà vào cung phục vị. Xoay đầu giường theo hướng phục vị hay diên niên), thậm chí dễ dàng thuận tiện bố trí bếp vì sau nhà gần 2 cung xấu ở 2 bức tường 2 bên và hướng ra cung tốt theo mô hình tọa hung hướng cát.

 

Tuy nhiên nếu xét kỹ càng hơn như: Phục vị có sao quản là Phụ Bật _ Thủy tinh, có ý nghĩa khá tốt về mặt tài phú và sức khỏe ... Nhưng lại rơi vào cung Khôn (hướng Tây-Nam) theo Lạc Thư và Bát Quái Hậu Thiên thì cung này mang hành Thổ. Thổ khắc Thủy, Thủy ở đây dù tốt nhưng vẫn sẽ suy kiệt dần dần do Thổ khắc chế. Kết quả Tài phú, sức khỏe ban đầu có thể tốt nhưng về lâu dài sẽ thất thoát và sức khỏe xuống dốc.

Do đó, thay vì học theo sách vở thì nhiều khi áp dụng vào thực tế sẽ mang lại kết quả không như mong đợi! Tùy theo cách thức áp dụng Phong Thủy vào thực tế mà thôi.

Ở bài sau chúng tôi sẽ đưa ra cách dùng đúng phong thủy và cách mà phong thủy và kiến trúc hòa hợp với nhau trong ngôi nhà của bạn. 

Đỗ Kim Chung

 

 

0988 152 370